Hình ảnh hơn 100 năm trước của Ô Quan Chưởng – Cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa

Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Ngày nay, đây là cửa ô duy nhất còn lại trong số 16 cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa.

Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành.

Ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài 80m. Phía ngoài cửa ô trước kia là đất ngoại thành.

Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Hán 東河門, nghĩa là Đông Hà môn (cửa phường Đông Hà).

Ca dao về Ô Quan Chưởng có câu:

Long Thành bao quản nắng mưa
Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây.

Ngày nay, ô Quan Chưởng nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương.

Nguyên thủy tên gọi của cô cửa này là Đông Hà Môn, nhưng người dân vẫn thường gọi là Ô Quan Chưởng, do có những chuyện truyền tụng từ lâu.

Chuyện thứ nhất vào cuối đời Lê, có ông quan Chưởng ấn về hưu, lập dinh cơ ở cạnh cửa ô này, vậy nên người ta tiện miệng gọi là Ô Quan Chưởng. Chuyện thứ hai, vào thời Nguyễn có một viên quan Chưởng cơ chỉ huy kiểm soát ở cửa ô, mọi thuyền bè ghé đến đều phải qua trình báo quan Chưởng ấy, và người ta quen miệng gọi là Ô Quan Chưởng. Chuyện thứ ba, nhiều người biết đến nhất là vào năm 1873, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, có viên quan Chưởng vệ cùng toàn thể binh lính dưới quyền chỉ huy của ông đã chiến đấu kiên cường và hy sinh tại cửa ô này. Nhân dân gọi tên Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ người chiến đấu, hy sinh cho Hà Nội.

Người Pháp thì gọi cửa ô này là Porte Jean-Dupuis, và con đường đi qua Ô Quan Chưởng cũng được đặt tên là Jean Dupuis (nay là phố Hàng Chiếu), cũng xuất phát từ tên của người tham gia trận đánh năm 1873. Sách “Người và cảnh Hà Nội” của cụ Hoàng Đạo Thúy đã ghi: “Song song với Hàng Đậu là Hàng Khoai. Dưới chợ là phố Mới, đầu phố chỗ gần bờ sông có cửa ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà) còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, tên Dupuis gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú, khi Francis Garnier đánh thành thì một ông Chưởng cơ, cùng một trăm chiến sĩ đã giữ thành này đến người cuối cùng!…”

Đường Jean Dupuis, nay là phố Hàng Chiếu
Lái buôn Jean Dupuis, người được Pháp ghi công trong việc xâm chiếm Hà Nội

Ô Quan Chưởng thoát nguy cơ bị đập bỏ

Sau khi Pháp chiếm được Hà Nội, để xây dựng thành phố này theo khuôn mẫu của Paris, họ đã phá đi nhiều di tích xưa của thành Thăng Long, trong đó có việc phá thành Hà Nội năm 1897, được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ghi trong hồi ký như sau:

“Tôi đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng Thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn. Chúng có những đặc trưng quý giá, chỉ như vậy thôi cũng đáng được chúng ta trân trọng. Đó là những kỷ niệm lịch sử gắn bó với nơi đây, chúng có thể làm đẹp cho các khu xây dựng mới của thành phố…”.

Trong thời Toàn quyền Doumer, tình trạng phá bỏ những di tích lịch sử ở Hà Nội giảm đi rất nhiều sau sự ra đời của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême Orient – EFEO) vào năm 1901. Nhờ vậy, Ô Quan Chưởng đã thoát khỏi số phận bị đập phá như nhiều di tích khác. Không những vậy, biên bản họp Hội đồng thành phố Hà Nội ngày 13/10/1902 còn ghi nhận việc chính quyền sẽ trùng tu cổng Ô Quan Chưởng.

EFEO cùng một số tổ chức khoa học khác của Pháp ở Đông Dương, với sự cộng tác của những người bản xứ cùng chí hướng, đã có nhiều đóng góp và đã đạt được nhiều thành công trong việc bảo tồn các di tích lịch sử ở Hà Nội. Đầu tiên là việc bảo vệ Ô Quan Chưởng trước kiến nghị của dân cư và một số chủ sở hữu người Âu tại phố Jean Dupuis (nay là phố Hàng Chiếu) đòi đập bỏ Ô Quan Chưởng trong lá đơn đệ trình Hội đồng thành phố ngày 28-11-1904. Lý do được trình bày trong đơn là do nhỏ hơn con phố nên cửa ô này đã tạo thành một nút thắt nhỏ tới mức hai chiếc xe tay thô sơ cũng không thể tránh được nhau. Điều này dẫn đến việc lưu thông rất bất tiện, xe cộ qua khu vực này thường phải đi đường vòng và tai nạn thường xuyên xảy ra, những chiếc xe kéo chở đầy gỗ qua đây đã trở thành nỗi sợ hãi thường trực của người đi bộ và xe cộ ở con phố lân cận.

Do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề này, ngày 3-4-1905, Hội đồng thành phố đã tổ chức họp để lấy ý kiến của các ủy viên và bỏ phiếu thông qua đề xuất phá hủy công trình kiến trúc ở đầu phố Jean Dupuis. Sau khi viện dẫn lý do chính là gây nguy hiểm cho giao thông ở ngã tư các phố Ancien Canal (nay là phố Đào Duy Từ) và ngõ Thanh Hà, chủ trì phiên họp là Đốc lý Hà Nội đã kết luận rằng “khối gạch vữa đồ sộ tạo thành cửa ô có lẽ không có nhiều giá trị khảo cổ để được xếp hạng di tích lịch sử”.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Godard với tư cách là Hiệu trưởng của EFEO kiêm Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ đã phản bác lại: “Cửa ô này là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa, do đó có giá trị khảo cổ không hề kém những di tích còn lại của Hoàng thành. Cửa ô này cũng gắn liền với lịch sử những năm đầu chiếm đóng của chúng ta, vì chính nhờ cửa ô này, chúng ta đã tiến vào Hà Nội qua một bến thuyền. Và cũng chính cửa ô này là lối vào con phố đầu tiên ở Hà Nội có thương nhân người Pháp định cư. Cuối cùng, cho dù chưa được khẳng định về giá trị thẩm mỹ thì công trình này vẫn có tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời nó còn là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo còn lại ngày nay. Tất cả những lý do có thể viện dẫn – về mặt khảo cổ, lịch sử và mỹ thuật – đều đang ủng hộ cho việc bảo tồn toàn vẹn công trình này”.

Tuy nhiên, phiên họp của Hội đồng thành phố vẫn kết thúc với 8 phiếu thuận và 5 phiếu chống, trong đó có 4/5 thành viên người bản xứ có mặt bỏ phiếu chống.

Quyết không nhượng bộ, sau phiên họp chỉ một tuần lễ, vào ngày 11-4, ông Godard đã gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị không phê duyệt dự án phá bỏ Ô Quan Chưởng. Nhấn mạnh vào vị trí của cửa ô trong lòng những người yêu Hà Nội, ông viết: “Ngài hẳn đã rõ nỗi dằn vặt của tất cả những ai quan tâm đến mỹ thuật và lịch sử đất nước, nỗi dằn vặt gây nên bởi quyết định không được mong đợi này, mà hậu quả của nó sẽ làm biến mất một trong những di tích cuối cùng, cũng là một trong những di tích đáng chú ý nhấtcủa Hà Nội cổ. Cảm xúc này trong lòng người bản xứ cũng nhức nhối không kém gì trong lòng người Pháp, và cả 4 thành viên người bản xứ của Hội đồng thành phố – vốn thường có xu hướng nhượng bộ – đã nhất trí phản đối dự án này”.

Thế nhưng, phái quyết tâm phá bỏ Ô Quan Chưởng mà đứng đầu là Hiệp lý thành phố đã không chịu dừng lại. Họ đã tập hợp chữ ký của 45 trưởng phố tại các khu phố lân cận và đệ trình lên Đốc lý xin san bằng công trình này, vẫn với lý do để thuận tiện cho giao thông.

Trước tình hình đó, Hội đồng thành phố đã trưng cầu ý kiến của các cơ quan có liên quan. Được hỏi ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Vệ sinh thành phố cho rằng, “khối gạch vữa này chỉ có giá trị quân sự ở thời kỳ chinh phục, ngày nay, nó đã trở thành một trở ngại đối với việc lưu thông không khí và là nguy cơ thường trực về tai nạn nghiêm trọng.

Mặt khác, các cổng vòm ở cửa ô này là nơi ghé lại thường xuyên của bọn lưu manh. Việc giám sát cho phép khẳng định rằng công trình này, cũng như rất nhiều chùa chiền bản xứ bị bỏ hoang, được dùng làm hang ổ cho những hành vi chẳng dính dáng gì đến phong tục”.

Phòng Thương mại Hà Nội trong biên bản họp ngày 8-5-1905 cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn phá dỡ Ô Quan Chưởng vì “giá trị thẩm mỹ và ký ức lịch sử của nó còn gây nhiều tranh cãi và không thể vượt qua những lợi ích chung của khu phố vốn là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ bậc nhất ở Hà Nội”.

Không muốn chính quyền Pháp tại Hà Nội phải tiếp tục “mang tiếng xấu là tùy tiện phá hoại văn vật”, gây nên những “ảnh hưởng đầy bi kịch đối với một bộ phận dân chúng An-nam sáng suốt”, EFEO mà đại diện là ông Godard đã không từ bỏ mục đích đấu tranh của mình là bảo vệ các di tích lịch sử của Hà Nội. Nhờ có sự nỗ lực của EFEO, Ô Quan Chưởng không những không bị phá mà còn được đưa vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại Nghị định ngày 24-11-1906.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận