Kinh tế khủng hoảng cũng có ảnh hưởng đến việc học con trẻ (Bài báo năm 1933 về ảnh hưởng của Đại khủng hoảng tới đời sống người Việt)

Có những thứ trên đời này tới rồi đi như một vòng lặp tuần hoàn. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cứ một vài năm, cuộc khủng hoảng kinh tế lại diễn ra, ảnh hưởng tới cuộc sống của hầu như mọi tầng lớp xã hội tại mọi quốc gia. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1929-1939 cũng ảnh hưởng sâu rộng tới Việt Nam thời thuộc địa, đi cùng với đó là thất nghiệp, mất mùa, giặc dã, cùng sự khai thác thuộc địa quá mức của Pháp. Sau đây là một bài báo viết tròn 90 năm trước (1933), nêu lên tình trạng không khác ngày nay. Ngay từ gần 100 năm trước, những người được học hành bài bản, thậm chí tốt nghiệp cao đẳng, đại học, là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ… cũng không tránh khỏi bị thất nghiệp. Người Việt xưa cũng từng phân vân là nên cho con đi học nghề để kiếm công việc nuôi thân, hay là cho học đến thành tài… Những sự việc đó dễ làm cho ta liên tưởng tới đội ngũ cử nhân chạy Grab của hiện tại.

Sau đây là nội dung bài báo:

Cuộc kinh tế khủng hoảng đã làm cho thế giới phải nôn náo, đã làm cho nhiều xã hội phải khốn đốn về vật chất; nay lại gây nên trong lòng nhiều người một cơn khủng hoảng bối rối khác: Sự cho con trẻ đi học.

Mọi năm, khi tới kỳ tựu trường, ta thấy nào cha đưa con, nào anh dắt em, người nọ dẫn kẻ kia, nhà quê ra kẻ chợ, tỉnh nọ về tỉnh kia, có vẻ huyên náo tấp nập lạ thường.

Trái lại, đầu vụ khai trường năm nay, quang cảnh khác hẳn. Cửa các trường chỉ có học trò cũ, lũ năm lũ bảy kéo nhau về, ngoài bọn đó ra chỉ thấy lưa thưa 5-7 học trò mới đến xin. Gia rĩ [hơn nữa], có mấy trường theo lệ thường, mỗi năm tuyển một số học sinh vào học niên khóa sắp tới; năm nay cũng bá cáo kỳ thi, định số học sinh sẽ được tuyển vào… Như các năm trước, số định lấy độ dăm chục, thì số đầu đơn xin ứng thí, kể có hàng dăm bảy trăm, một nghìn. Thế mà năm nay khác hẳn. Như trường kia nhận đơn dự thí, số đơn nộp lại ít hơn số đã định lấy vào.

Tại sao sự học hành trong xứ ta, đang độ ganh đua hăng hái, sầm uất nhiệt thành, nay bông x dưng lại lùi bước ngừng trệ, thờ ơ lãnh đạm thế? Duyên cớ đó thật dễ thấy lắm.

Đây tôi thuật lại câu chuyện vừa nghe của hai ông kia đàm thoại. Ông A nói rằng: “Tôi có mấy cháu đương độ ăn học, mà nay đành để ở nhà không cho đi nữa. Lúc chúng nhớn, sẽ cho học nghề nghiệp kiếm ăn. Cứ những tình trạng hiện thời, dù khiến cho tôi phải chán ngán, không còn muốn cho đi học làm gì. Kìa, xem trong làng tên văn học: có nhiều ông đã đỗ đạt một cách rực rỡ hiển hách lắm, nào tiến sĩ văn chương, nào cử nhân luật học, nào kỹ sư cầu cống, kỹ sư hóa học, y khoa bác sĩ, ông nghè ông cống đủ hết mọi khoa. Dưới các ông Đại học, Cao đẳng ở Tây về, còn nhan nhản những tú tài, những thành chung tốt nghiệp; lại riêng mấy khoa chuyên môn kia, như cao đẳng sư phạm, cao đẳng kiến trúc, cán sự chuyên nghiệp, ý sĩ, dược sĩ v. v. học mãn niên khóa, trúng tuyển kỳ thi ra rồi, nay vẫn còn ngồi nhà, đợi việc hết năm này sang năm khác, có người đợi đến mấy năm không có việc làm. Rút cục, sau lại phải tự mình mày mò lấy công việc mà làm. Nếu tìm không được việc xứng đáng với tài học của mình, bấy giờ biết làm sao? Kìa, ở Hải cảng, vừa rồi đã nhiều người nom thấy thày ký bị sở kia thải về không việc, phải mượn càng xe, để lấy của độ thân. Báo Sài-gòn mới thuật một tin, người học sinh cao đẳng kia, vì nỗi không công việc, cũng phải nhờ xe kéo để nuôi miệng…

Đấy! cái hiện tình bất lợi cho sự học đã bày ra đấy rành rành. Tôi suy nghĩ vẩn vương mãi, càng nghĩ càng nản, nên đành chịu để cháu ở nhà không học. biết đâu kẻ học sau này, lại không gặp rất nhiều nỗi khó khăn gấp mấy bây giờ sao… Bây giờ chỉ cần lấy nghề gì cho nó học để kiếm ăn, thế mời là sành đời”.

Ông B nghe nói, ngồi im một chút, rồi đáp rằng: “Mấy câu ngài bình luận, không phải không có cớ. Ừ, thời buổi này, cứ cậy mình có học hành nhiều, có văn bằng to, mà bảo là dễ kiểm ăn, để vinh thân ư? Không gì bấp bênh bằng. Suy đi thì thế, nhưng ta thử xét lại xem. Đành rằng thời buổi bất lợi cho việc học; đành rằng học đỗ đạt rồi, không mong được bổ dụng, lương bổng dồi dào, sung sướng mãn nguyện ngay; đành rằng học giỏi giang, muốn lập kế sinh nhai, cũng phải chịu nhiều nỗi khó khăn, lắm điều chật vật mới kiếm được việc. Dẫu thời thế không được thuận lợi, dễ dàng như mười năm về trước; song sự học cũng không nên coi khinh coi rẻ, mà nhãng bỏ, hình như nó chẳng sinh lời gì.

Xem các nước văn minh giầu mạnh, nước nào cũng vậy, người ta không coi việc học như cái lợi khó để kiếm ăn ngay như bên ta; người ta coi sự học theo một mục đích cao xa hơn, các nước đó ngay từ hồi chưa bị kinh tế quẫn bách, những kẻ học đỗ đạt thành tài, phần nhiều vẫn phải tự mình lập thân lập nghiệp lấy, không phải người ta học đỗ rồi, mong được bổ dụng vào tòa nọ sở kia đâu. Biết trước như thế, mà người ta cũng vẫn một dạ nhiệt thành, một lòng sốt sắng ái mộ sự học, coi sự học như vật cần, vật bổ của tâm thần trí não, cũng như của ăn cần cho xác vậy.

Ngay như nước ta xưa kia cũng vậy. Việc học hành rất chăm chỉ, rất chuyên cần. Cố nhiên rằng, trong óc người đi học lúc nào cũng đinh ninh có ngày gặp hội, sẽ được hiển thân. Nhưng trái lại, ta vẫn có tục mê tín về số phận, về mồ mả đất cát. Nếu học mà chẳng có phận, nhà không có đất, mồ không được phát, thì dẫu học đến bạc đầu cũng chẳng ăn thua gì. Biết thế, tin thế, nhưng học vẫn học, chẳng chút trễ nải. Khuya sớm, nào cha bảo con “Triêu ư tư, tịch ư tư, vạn sự xuất ư nho”; nào anh khuyên em “Sĩ kiêm bách nghệ, văn học vi tiên”.

Nói tóm lại, việc học, trừ những nước mường mọi, dã man ra, còn thì nước nào cũng quí cũng công nhận là cần thiết và hữu ích cho mọi phương diện.

Thưa ngài, trước kỳ hết nghỉ hè năm nay, tôi cứ phân vân lúng túng, suy xét thiệt hơn mãi, sau có ông giáo quen lại chơi, ông bảo cứ để cho các cháu đi học. Ngã nhẽ, tôi đành nhắm mắt cho đi, còn sau thế nào, mặc kệ chúng nó”.

Câu truyện của hai ông, không khác gì tấm kính phản chiếu cho ta thấy tỏ mối ưu tư, nỗi khổ tâm của nhiều cha mẹ trong lúc khó khăn này.

Nay đứng giữa hai ông, ở địa vị phải định đoạt về việc học, điều cốt yếu là phải xem con cái, đứa nào có khiếu thông minh, nên cho theo học đến thành tài; đưa nào kém trí, phải cho học ít nhiều dù biết việc bổn phận mình, rồi cho học nghề; thiết tưởng thế là sành đời và tự nhiên vậy.

Trung hòa nhật báo, số 1420, ra ngày 16/11/1933

Viết một bình luận