Lịch sử 120 năm “Trường Thợ Máy”, nay là trường Kỹ thuật Cao Thắng

Trường kỹ thuật Cao Thắng ngày nay có lịch sử hàng trăm năm thành lập, là 1 trong 2 trường kỹ thuật cơ khí đầu tiên được thành lập ở Đông Dương.

Mái màu xanh là Trường Máy, bên phải là đại lộ Hàm Nghi thập niên 1960

Thời Pháp thuộc, trường Cao Thắng được người Việt gọi là Trường Bá Nghệ, Trường Thợ Máy, hoặc ngắn gọn hơn thành “Trường Máy”, tương tự như cách gọi “Trường Vẽ” bên Bà Chiểu – Gia Định.

Đó là cách gọi dân gian, còn tên gọi chính thức của trường này là Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), được thành lập theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/2/1906, nhằm “đào tạo cho nhu cầu hàng hải thương thuyền và kỹ nghệ địa phương, một đội ngũ thợ cơ khí vững tay nghề về máy móc sử dụng trên tàu và trên đất liền”.

Tứ giác vị trí xây dựng Trường Máy, bản đồ Sài Gòn năm 1898

Trường Máy được xây dựng trên một mảnh đất trống đã được quy hoạch trước, ở ngay bên cạnh ga xe lửa Sài Gòn (đại lộ Somme), nằm lọt bên trong tứ giác 4 con đường Somme (nay là Hàm Nghi), Mac Mahon (sau là đường Công Lý, nay là NKKN), Pellerin (nay là đường Pasteur) và có cổng chính trên đường Hamelin, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng.

Trước khi mang tên Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1955, thì giai đoạn 1917-1955, con đường này mang tên Đỗ Hữu Vị – phi công người Việt đầu tiên, và cũng là duy nhất thời đó, phục vụ trong quân đội Pháp. Năm 1916, đại úy Đỗ Hữu Vị được bổ nhiệm làm chỉ huy Đại đội 7 (7ème compagnie) thuộc Trung đoàn Lê dương thứ 1, chiến đấu tại mặt trận sông Somme chống lại quân Đức trong thế chiến thứ nhất và qua đời trên trận tuyến. Vì vậy qua năm 1917, tên của Đỗ Hữu Vị được đặt cho con đường nằm ở trung tâm Sài Gòn, cắt ngay đường Kinh Lấp. Đường Đỗ Hữu Vị đi ngang qua trường Bá Nghệ (nay là trường Cao Thắng), và do thời điểm đó có 2 trường Bá Nghệ nên người ta cũng thường gọi tên là Trường Bá Nghệ Đỗ Hữu Vị, để phân biệt với trường Bá Nghệ bên Chasseloup Laubat.

Dưới đây là nội dung bài báo năm 1936 có tiêu đề: Quan Toàn Quyền Robin và Thống đốc Pagès viếng trường Bá Nghệ (Đỗ Hữu Vị) Sài Gòn.

Xin trích 1 đoạn bài báo này, có nói sơ về hoạt động của trường thời điểm 90 năm trước.

Vừa hầu chuyện thì quan đốc học trường mời quan Toàn quyền và quan Thống đốc cùng các viên quan khác đi xem các ty xưởng trong trường, nào là: xưởng thợ tiện, xưởng nầy có chưng đủ đồ khuôn mẫu của học sinh làm ra để phô trương tài học và công cán nơi bổn trường có nhiều chỗ ích lợi về kỹ nghệ và máy móc, lại xe khắp các nơi: xưởng lò èn, thợ nguội, thợ sắt, xưởng động cơ, xưởng điện khí.

Nơi xưởng nầy nên để ý hơn hết là có nhiều máy to tát chạy bằng dầu cặn và máy hơi chạy vang rân, rung rinh náo động. Trong lúc máy móc đồ sộ nầy chạy thì không còn ai được nghe một tiếng chuyện vẳng dẫu cho đứng tận bên cũng khó mà nghe nhau được.

Nhưng các viên quan lộ vẻ thích chí mà trông thấy được những bộ máy ổn ện kia lao xao, đua nhau chạy hình như lộ vẻ hân hoan tiếp chào các viên quan và khoe sức mạnh mình được quá ngàn mã lực vậy. Các bộ máy đây đều hoạt động bởi một bọn học sanh đứng sai khiến, cho chạy tới chạy lui, chạy mau chạy chậm, cũng nhờ công ăn học rèn tập thành nghề. Xem mãn nhãn, quan Toàn quyền, quan Thống đốc cùng chức sắc lần lần dạo bước mỗi chỗ, đến đâu thì các học sanh đều đem hết tài liệu của mình ra phô trương, tỏ lòng đền đáp công ơn chánh phủ cấp dưỡng mỗi năm cho ăn học, tiền nhà nước xuất ra đối với bọn thanh niên bá nghệ không phải uổng. Xem mọi nơi, có lẽ quan Toàn quyền và Thống đốc đều được vui lòng đặng thấy trong cõi Đông Dương chỉ có một mình trường máy bá nghệ mà thôi, là nơi đã rèn tập bao nhiêu thanh niên thủy thủ đủ nghề giáp việc thủy binh. Ấy cũng nhờ bởi Quan Năm đốc học Rosel sốt sắng cai quản bấy lâu nên trường được thành cuộc rất mĩ mãn.

Nơi trường nầy lại còn có thêm hai lớp học sinh mà bấy lâu nay các bạn đọc giả chưa từng nghe nói đến là rất nên chủ ý hơn hết, vì là mới mở khoa dạy được vài năm trong xứ ta. Tương lai tiện đây cũng nên thuật kỹ cho bạn đọc giả được biết và các bạn thanh niên nào muốn học môn nầy không cần ngần ngại và nhọc lòng dọ hỏi.

Trước đó, cũng có một trường mang tên là Trường Bá Nghệ khác được thành lập, dù là trường đầu tiên nhưng ít được biết tới hơn, đó là trường Dạy nghề Nam Kỳ (École d’Apprentissage de Cochinchine), có tiền thân là 1 cơ sở dạy nghề mang tên Atelier d’Apprentissage, tới năm 1904 phát triển thành trường dạy nghề chuyên nghiệp mang tên École Professionnelle de Saigon. Từ năm 1962 tới nay, trường này mang tên là Trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, ngày nay có cơ sở chính bên Dakao.

Trở lại với trường Kỹ thuật Cao Thắng, cũng là 1 trường Bá Nghệ, là trường đào tạo thợ máy lớn nhất Đông Dương thời 100 năm trước.

Trường này mang tên Cao Thắng ngay sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở Nam Phần. Sỏe dĩ đặt tên này là vì Cao Thăng – một trợ thủ đắc lực của lãnh tụ khởi nghĩa Phan Đình Phùng, là người rất giỏi về kỹ thuật cơ khí, là người phụ trách chế tạo vũ khí cho lính nghĩa quân chống Pháp.

Ban đầu, trường này nhận các học viên là những người có bằng sơ học (tương đương với bậc tiểu học ngày nay), chứ không cần bằng Thành Chung (bậc cấp 2 ngày nay), chỉ cần biết đọc viết tiếng quốc ngữ và nghe nói rành rọt tiếng Pháp là dễ dàng vào học nghề thợ máy trong trường này. Tới năm 1947, phải có bằng Thành Chung (còn gọi là Cao Tiểu, tức Cao Đẳng Tiểu Học) thì mới được vô học.

Chính giữa hình là Trường Máy , nhìn từ phía đại lộ Hàm Nghị thập niên 1960

Hiện nay, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng là trường công lập, đào tạo trình độ cao đẳng các ngành, nghề Kỹ thuật công nghệ cơ khí, điện, điện tử, nhiệt-lạnh, xe hơi, công nghệ thông tin và kinh tế.

Xin nhắc lại về các giai đoạn phát triển của trường này, được chính trường Cao Thắng ghi chép lại:

NĂM 1906: Trường Cơ Khí Á Châu được khởi đầu xây cất với một gian nhà lợp thiếc tại góc đường Mac Mahon (sau là đường Công Lý) và đại lộ Somme (nay là Hàm Nghi). Trong căn nhà lợp thiếc, chỉ có vẻn vẹn một xưởng cơ khí nhỏ, phía đông nhà trường là kho xưởng hoả xa chạy đường Sài Gòn-Chợ Lớn.

NĂM 1907: Lúc đầu nhà trường chưa được trang bị đầy đủ nên phần thực hành phải nhờ đến cơ xưởng của trường Dạy nghề Nam Kỳ như đã nhắc tới ở trên, bên đường Chasseloup Laubat (sau là đường Hồng Thập Tự).

NĂM 1908: Giảng đường phía đường Mac Mahon được xây cất thêm, ở trên làm ký túc xá, ở dưới làm lớp học và kho vật liệu, máy móc. Chương trình học gồm có nhiều môn trong kỹ nghệ, nên dân chúng gọi Trường Cơ Khí Á Châu là “Trường Bá Nghệ”.

NĂM 1909: Một xưởng cơ khí sườn sắt lợp thiếc được xây cất, làm xưởng nguội, tiện, máy dụng cụ, cùng kho vật liệu tại góc đường Mac Mahon và đại lộ Somme.

NĂM 1913: Nhà trường xây cất thêm tầng dưới dãy nhà bên trái cổng vào để làm văn phòng Hiệu trưởng và văn phòng thư ký.

NĂM 1914: Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ. Trong thời kỳ này, Trường Cơ Khí Á Châu sản xuất tạc đạn 75 ly cho quân đội, tuyển mộ và đào tạo một số thợ để sang Pháp.

NĂM 1916: Xây thêm tầng trên dãy nhà từ bồn hoa đến phòng đọc sách học sinh để làm ký túc xá.

NĂM 1917: Dãy nhà trên được nối thêm cho đến xưởng máy. Tầng trên là nơi ở, tầng dưới làm phòng ăn cho học sinh nội trú.

NĂM 1918: Phía trên văn phòng Hiệu trưởng được cất thêm lầu để làm nơi ở và phòng y tế cho học sinh.

NĂM 1919: Một biệt thự được xây dựng tại góc đường Pellerin (nay là đường Pasteur) và đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng).

NĂM 1922: khu Xưởng Hoả xa được dời đi nơi khác. Trường Cơ Khí Á Châu nới rộng ra đến đường Pellerin.

NĂM 1924: Nhà trường xây cất thêm dãy lầu đồng hồ để làm nhà ở cho các giáo chức trên lầu, và nhà để xe ở tầng trệt.

NĂM 1925: Một dãy cơ xưởng được dựng lên tiếp theo hướng đường Pellerin, để làm chỗ sửa công xa, xưởng máy, xưởng điện, xưởng gò và rèn.

NĂM 1927: Một dãy nhà 16 căn được xây dựng tại đường Pellerin để làm cư xá cho nhân viên trường.

NĂM 1931: Một giảng đường lớn được dựng lên, nối liền văn phòng với dãy nhà đã có từ năm 1916.

NĂM 1936: Một nhà ở phía giữa, ngay sau giảng đường nối liền với văn phòng được xây cất với mục đích làm ký túc xá và lớp học cho học sinh.

NĂM 1939: Thế giới đại chiến thứ 2 bùng nổ. Ngày 24 tháng 10 năm 1939, Ông Rosel, Hiệu trưởng sáng lập trường Cơ Khí Á Châu từ trần lúc tại chức và được ông Albert Simon thay thế, ông Albert Simon là một Đại uý Cơ Khí Hải quân. Để tri ân người quá cố đã có công tạo lập ra trường Cơ Khí Á Châu, trường này được chính phủ cho mang thêm danh hiệu, “Trường Rosel” (Ecole des mecaniciens-Ecole Rosel)

Năm 1940: Do đề nghị của ông Hiệu trưởng Albert Simon, trường Rosel đổi lại thành “Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn” (Ecole Technique Spéciale).

Năm 1941: Ngày 26/12/1941,Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn bị quân đội Nhật chiếm đóng và phải tạm dời về Hải quân Công xưởng (Sở Ba Son). Nhà trường chiếm một khu nhà lợp lá gần vàm sông Thị Nghè và hoạt động từ 20/01/1942.

Cũng trong năm ấy, ông Albert Simon bị thuyên chuyển đi Hải Phòng và được ông Yves Germain thay thế. Ông Yves Germain cũng là một Đại uý cơ khí Hải quân.

Năm 1944: Dưới sự oanh tạc của phi cơ quân đội Đồng Minh, nhà trường phải dọn qua mượn tạm cơ sở bên trong đại chủng viện (Saint-Joseph de Saïgon), chỗ trường nữ Nhà Trắng, bên đường Luro (sau là đường Cường Để, nay là Tôn Đức Thắng), từ ngày 10/06/1944 đến 07/02/1945.

Năm 1945: Ngày 07/02/1945, quân đội Nhật chiếm đóng Đại chủng viện, nhà trường dừng hoạt động.

Năm 1946: Sau khi quân Nhật đầu hàng đồng minh và rút lui khỏi Đông Dương, Pháp tái chiếm Việt Nam và thành lập chính phủ Nam Kỳ. Trường Kỹ Thuật Chuyên Môn lại trở về vị trí cũ bên đường Đỗ Hữu Vị, tức cơ sở đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay. ông Yves Germain trở lại làm Hiệu trưởng.

Năm 1947: Ông Yves Germain về Pháp và ông Gérard Tabouillot, kỹ sư công nghệ đến thay. Nhà trường đổi tên mới là Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Năm 1949: Ông Tabouillot về Pháp nghỉ và được ông Abrall thay thế trong 6 tháng. Ông Abrall từ trần lúc tại chức.

Năm 1950: Vị Hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên đến nhận chức là ông Nguyễn Cao Khoan, kỹ sư điện Trường Grenoble của Pháp, nhưng ông vẫn làm kỹ sư tại Sở Hỏa xa nên chỉ kiêm nhiệm Hiệu trưởng.

Năm 1952: Ông Đỗ Văn Trà, Kỹ sư của Bộ Công chính đến kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng thay ông Nguyễn Cao Khoan.

Năm 1953: Trường mở thêm một chi nhánh gồm 5 lớp đệ thất (lớp sáu) đặt tại Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ, số 48 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), gọi là Chi nhánh Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng.

Năm 1954: Nhà trường bắt đầu mở thêm lớp đệ tam (lớp mười).

Năm 1956: Nghị định số 199/GD ngày 29 tháng 06 năm 1956 đổi tên trường thành Trường Trung học kỹ thuật Cao Thắng (Lycée Technique Cao Thắng), có đủ các lớp đệ nhất cấp (từ lớp sáu đến lớp chín) và đệ nhị cấp (từ lớp mười đến lớp mười hai) để thi tú tài kỹ thuật toàn phần. Chi nhánh Phan Đình Phùng được dời về Trường. Từ lúc này, trường mang tên Cao Thắng cho tới nay.

Năm 1957: Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Thanh tra kỹ thuật đến kiêm nhiệm Hiệu trưởng thay thế ông Đỗ Văn Trà từ ngày 16/09/1957 đến ngày 16/01/1958.

Năm 1958: Ngày 17/01/1958, ông Phạm Xuân Độ, Thanh tra tiểu học, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, Cựu Giám đốc học chính Bắc Việt và Cao nguyên đến nhận chức Hiệu trưởng chính thức đầu tiên của Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng. Dãy nhà nhân viên ở đường Pasteur được sửa chữa lại thành 6 lớp học và 4 phòng nhỏ.

Năm 1960: Người Tây Đức đến dạy nghề tại Trường cùng máy móc thiết bị, hệ thống tổ chức cùng cán bộ giảng dạy riêng của họ. Giảng đường A được xây dựng lại.

Năm 1961: Người Tây Đức chuyển về Trường kỹ thuật Việt Đức, (Thủ đức), đem theo máy móc thiết bị (trừ một số máy công cụ và trang thiết bị để lại cho Xưởng Cơ khí và Xưởng Kỹ nghệ sắt). Cũng trong năm này, ông Cao Thanh Đảnh, kỹ sư E.M.S.M, đến nhận chức Hiệu trưởng thay ông Độ.

Năm 1964: Một kỹ sư E.M.S.M khác là ông Nguyễn Tấn Phát đến thay thế ông Đảnh làm Hiệu trưởng.

Năm 1965: Ông Lê Đình Viện – Master of education, đến nhận chức Hiệu trưởng thay ông Phát cho đến năm 1967.

Năm 1967: Ông Nguyễn Hồng Lam, kỹ sư công nghệ, đến nhận chức Hiệu trưởng.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận