Sơ lược lịch sử hình thành, hoàn thiện và phát triển của “chữ Quốc ngữ” Việt Nam

Chữ viết hiện nay (được gọi là chữ Quốc ngữ) được phôi thai hình thành từ thế kỷ 17, nhưng sang tới cuối thế kỷ 19 thì mới bắt đầu xuất hiện khái niệm “chữ Quốc ngữ”.

Chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, nhưng quá trình hoàn thiện chữ viết và truyền bá việc sử dụng chữ Quốc ngữ thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 lại mang dấu ấn của những nhà trí thức lớn người Việt, đặc biệt là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Khôi.

Trước tiên, cần phân biệt giữa tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói (Việt ngữ, Quốc ngữ) của người Việt đã có từ thời cổ đại và không ngừng phát triển, hoàn thiện cho tới nay. Tuy nhiên thời xưa người Việt chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết riêng, các sử sách đều viết bằng tiếng Hán, sau đó tới khoảng thế kỷ thứ 8-9 thì xuất hiện chữ Nôm để ghi lại âm tiếng Việt bằng Hán tự (mượn âm Hán để chép tiếng Quốc âm). Người nào muốn viết được chữ Nôm thì trước đó phải biết ít nhiều về chữ Hán (người Việt thường gọi là chữ Nho). Tới đời nhà Trần (thế kỷ 13-14) thì chữ Nôm thịnh hành, được sử dụng trong thi ca, thư từ, chiếu chỉ, và người có công hoàn thiện chữ Nôm là Hàn Thuyên.

Chữ Nôm được sử dụng trong khoảng 10 thế kỷ, trước khi nó bị thay thế bởi chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20.

Việc sử dụng chữ Nho để viết lại ngôn ngữ của người Việt từ thế kỷ 19 trở về trước, nó cũng giống như các nước theo văn hóa nho giáo như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, là những nước có tiếng nói riêng nhưng đều sử dụng chung một loại chữ phổ biến là chữ Nho, dùng để học đạo nho và xem sách vở của thánh hiền đời xưa.

Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên tới truyền đạo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 17, họ cần một loại chữ Việt thay cho chữ Nho và chữ Nôm, sao cho dễ viết nhất, do đó họ sáng tạo ra một loại chữ viết mới mà ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ.

Trong nhiều năm, người ta cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người “sáng chế” ra chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu và những tư liệu gần đây cho rằng chữ Quốc ngữ là công trình của một nhóm người, trải qua thời gian dài, và những người đầu tiên dùng ký tự Latin để ghi lại tiếng Việt là Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa (đều là người Bồ Đào Nha), Cristoforo Borri (người Ý). Rồi sau đó, Alexandre de Rhodes (1591-1659) đã có công lao lớn là tổng hợp và hệ thống hóa những kết quả sáng tạo của những người đi trước để biên soạn quyển từ điển Việt-Bồ-Latin, xuất bản năm 1651, và có công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Ông cũng đã dùng chữ Quốc ngữ để soạn Phép giảng tám ngày.

Tuy nhiên thời kỳ này chữ Quốc ngữ mới ở dạng sơ khai, cách ghi âm còn mang nặng dấu ấn cá nhân.

Hơn 100 năm sau đó, giám mục Adran, tức giáo sĩ Lierre Pigneau de Béhaine (1741-1799), thường gọi là Bá Đa Lộc, hoặc Cha Cả, đã phát triển chữ Việt với bộ Tự vị Việt-La năm 1773. chữ Quốc ngữ trong bộ tự vị này gần giống với chữ Quốc ngữ ngày nay hơn.

Người có công phát triển chữ viết tiếng Việt lên một bước cao hơn là giáo sĩ Jeal Bapstiste Louis Taberd (1794-1840), với quyển Từ điển Taberd xuất bản năm 1838. Quyển từ điển này, ngoài phần chính là các mục tự theo trật tự Nôm – Quốc ngữ – Latin, còn có phần nghiên cứu âm vị tiếng Việt, mô tả tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt, cấu trúc lời nói, câu văn tiếng Việt, chỉ dẫn cách làm thơ và tên gọi các loài cây cỏ, hoa trái…

Tuy nhiên, trong suốt 200 năm, từ 1651-1861, chữ Việt có ký tự latin này không được phổ cập rộng rãi. Từ thời vua Minh Mạng, triều đình cấm đạo, còn các trí thức nho học thì không sẵn sàng tiếp nhận loại chữ mới vì cho rằng nó trái với truyền thống văn hóa Hán Nôm, phá hoại di sản văn hóa dân tộc. Một số khác thì bỏ qua không để ý tới vì nghi kỵ rằng đó là thứ “chữ của ngoại quốc”. Vì vậy trong một thời gian dài loại chữ này chỉ được sử dụng quanh quẩn trong các nhà thờ, xứ đạo.

Phải đến những năm cuối thế kỷ 19, những trí thức vốn là học trò của chữ Việt như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký đã góp phần làm cho chữ Việt phát triển thêm một bước nữa.

Năm 1865, tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên được ra đời là Gia Định báo do Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút, khi đó chữ Quốc ngữ đã tiến sát gần với chữ viết của ngày nay.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của năm 1895

Trong cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan viết năm 1989 có ghi như sau:

“chữ Quốc ngữ có được mẫu mực và được lan rộng ở Nam kỳ sớm hơn cả là nhờ mấy nhà học giả đã thâu thái học thuật Âu Tây trong hồi người Pháp mới đến nước Nam. Trong số những nhà học giả Việt Nam theo Tây học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai (tức Paulus Của). Hai ông đã dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá học thuật và tư tưởng người Âu Tây và soạn tự điển Việt Pháp để người Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp. Bộ Việt Pháp tự điển của Paulus Của là một bộ tự điển mà gần đây cả người Bắc lẫn Nam vẫn còn dùng.

Còn Trương Vĩnh Ký thì thật là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật, mà lại còn là một người giỏi về khoa ngôn ngữ. Ông thật xứng đáng làm tiêu biểu cho tất cả những người sốt sắng với quốc văn lúc đầu ở Nam kỳ; sự nghiệp của ông, chúng ta không thể nào không biết đến được”.

Chữ Quốc ngữ chính thức được công nhận là chữ viết chính thức ở Việt Nam từ năm 1882 dưới thời Pháp thuộc. Lúc đó chính quyền bắt buộc sử dụng chữ Quốc ngữ trong giấy tờ chính thức của nhà nước từ ngày 1/1/1882, bắt buộc những người làm trong bộ máy hành chính ở thuộc địa viết chữ Quốc ngữ, trẻ con lúc đó đi học thì phải học chữ Quốc ngữ. Từ đó, chữ Quốc ngữ có điều kiện danh chính ngôn thuận và cơ sở pháp lý để tồn tại và phát triển.

Trong cải cách giáo dục do Toàn quyền Paul Beau chủ trương năm 1904-1906, cả chữ Pháp lẫn chữ Quốc ngữ được đưa vào hệ thống các trường Pháp – Việt để thay thế dần chữ Hán trong giáo dục và thi cử. Năm 1919, khoa thi Hội cuối cùng, đánh dấu sự kết thúc nền thi cử Nho học bằng chữ Hán đã kéo dài gần 9 thế kỷ (từ 1075 tới 1919).

Trong nhà trường Pháp – Việt, ngoài các môn tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ, mỗi tuần chỉ còn lại 2 giờ Hán văn. Chữ Pháp trở thành văn tự chính thống của nhà nước đô hộ và chữ Quốc ngữ được sử dụng cùng với tiếng Việt trong giao tiếp cộng đồng và giáo dục cấp tiểu học, trung học.

Cũng trong những năm đầu thế kỷ 20 này, những trí thức người Việt thế hệ tiếp theo đã ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng chữ Quốc ngữ, hoàn thiện văn phong và chính tả của văn viết, đó là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, đặc biệt là Phan Khôi, một nhà báo nổi tiếng đã nhiều lần đấu tranh cho sự thống nhất của tiếng Việt trong cả nước, cổ động phong trào viết đúng chữ Quốc ngữ, và có nhiều công trình nghiên cứu về phép làm văn, văn pháp tiếng Việt…

Thời điểm này, báo chí chữ Quốc ngữ rầm rộ phát triển, từ đó cho tới năm 1945 có đến 32 tờ báo được xuất bản, hầu như mỗi năm đầu có một tờ báo mới ra đời. Một số tờ báo tiêu biểu thời kỳ này là Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật báo tỉnh (1905), Đại Việt tân báo (1905), Đăng cổ tùng báo, Lục Tỉnh tân văn (1907), Trung Bắc tân văn (1913), Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí (1917), Nữ giới chung (1918), Đông Pháp thời báo (1923), Tiếng dân (1927), Phụ Nữ tân văn (1929), Phong hóa tuần báo (1932), Tiểu thuyết thứ bảy (1934), Sông Hương (1936), Tri Tân (1941)…

Ý kiến chung cho rằng văn học chữ Việt là xuất phát từ báo chí trong thời kỳ này. Hầu hết các sáng tác văn học như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, ký… đều đăng trên báo trước khi in thành sách. Một thế hệ các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học sử dụng chữ Quốc ngữ đã trưởng thành và phát triển trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Văn học chữ Việt đã manh nha từ những truyện ký nhỏ đăng trên Gia Định báo và Thông Loại Khóa Trình từ cuối thế kỷ 19, rồi tới các quyển tiểu thuyết nổi danh như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời năm 1925.

Trong khoảng 1930-1945, có 3 trào lưu văn học phát triển song song nhau và đều đạt được các thành tựu lớn. Đó là trào lưu văn học lãng mạn, trào lưu văn học hiện thực phê phán và trào lưu văn học cách mạng. Những trào lưu văn học này góp phần đắc lực trong việc nâng cao, hoàn thiện và hiện đại hóa chữ Quốc ngữ. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ và là bước ngoặt lớn của nền văn học Việt Nam.

Trào lưu văn học lãng mạn với đại diện là nhóm Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ Mới, tập hợp những nhà văn, nhà thơ sáng tác theo phong cách văn học Pháp. Trào lưu văn học thứ 2 là hiện thực phê phán, phản ánh và phê phán hiện trạng xã hội Việt Nam với hai mâu thuẫn cơ bản là địa chủ phong kiến với nông dân, và người Việt Nam với thực dân Pháp đô hộ.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng sự ra đời của chữ Quốc ngữ gắn liền với hoạt động xâm lược của chủ nghĩa thực dân và là một công cụ của Pháp khi sang xâm lược Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ 19. Để phản bác điều này, nhà sử học Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN) nói rằng chữ Quốc ngữ ra đời liên quan tới hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây, diễn ra trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp bắt đầu từ năm 1858. Thực tế, trong công cuộc chuẩn bị và tiến hành xâm lược, có một số giáo sĩ đã liên kết với quân xâm lược, tham gia các hoạt động chuẩn bị như cung cấp thông tin, vận động giáo dân và có người trực tiếp dính dáng tới cuộc xâm lược, nhưng nó không thuộc về sự ra đời, tồn tại và phát triển của chữ Quốc ngữ. Bởi vì nếu không có chữ Quốc ngữ thì vấn đề xâm lược sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

chuyenxua.net biên soạn

3 bình luận về “Sơ lược lịch sử hình thành, hoàn thiện và phát triển của “chữ Quốc ngữ” Việt Nam”

  1. Quá hay để hậu thế hiểu đúng về sự ra đời cứ chữ quốc ngữ. Đó là sự kiện nổi bật nhất trong thiên niên kỷ thứ 2 tại Việt Nam. Một sự đoạn tuyệt với Trung Quốc, là cầu nối Việt Nam với nền văn minh thế giới. Khi kỷ nguyên tin học vào VN, bàn phím không phải chua hán tự, chỉ cần mua máy tính của Mỹ là học được ngay

    Trả lời

Viết một bình luận